Ngày nay, càng có nhiều chủ nhà kết hợp giếng trời vào không gian nhà ở để giúp nhà sáng và thoáng khí hơn. Tuy nhiên, làm thế nào để xây dựng giếng trời vừa an toàn, vừa thẩm mỹ là việc không dễ dàng.
Vậy giếng trời là gì, vị trí và những lưu ý khi xây dựng nhà có giếng trời như thế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.
Giếng trời là gì?
Giếng trời là khoảng không gian có phương thẳng đứng được thông từ mái nhà đến tầng trệt để giúp lấy sáng, điều hướng gió, trao đổi không khí giữa bên ngoài và bên trong ngôi nhà. Không gian này đặc biệt phù hợp với nhà có diện tích nhỏ, nhà phố, nhà nằm ở vị trí tối không đủ ánh sáng. Giếng trời cũng là điểm nhấn giúp tăng tính thẩm mỹ cho ngôi nhà của bạn. Ngoài ra, xét về phong thủy, giếng trời giúp mang thêm vượng khí và tài lộc vào nhà.
Vị trí đặt giếng trời
Giếng trời có thể được đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà để giúp lấy sáng và điều hòa không khí. Dưới đây là một số vị trí đặt giếng trời được nhiều chủ nhà yêu thích và lựa chọn:
Đuôi nhà
Nếu phần đầu của ngôi nhà được cấp sáng nhờ vào cửa chính thì phần đuôi nhà thường tối và đứng gió hơn. Vì vậy, bạn có thể thể đặt giếng trời tại đây để giúp lấy sáng và lưu thông gió cho phần đuôi nhà.
Giữa nhà
Việc đặt giếng trời ở giữa nhà không chỉ giúp nhà sáng sủa hơn mà còn mang lại nhiều ý nghĩa về mặt phong thủy. Giếng trời nằm ở giữa nhà sẽ giúp ánh sáng, vượng khí và tài lộc được lan tỏa khắp không gian nhà, từ đó mang đến nhiều may mắn cho gia đình. Một số kiến trúc sư còn sử dụng mái che giếng trời với nhiều họa tiết đẹp mắt để tạo thêm điểm nhấn cho ngôi nhà của bạn.
Trên cầu thang
Giếng trời kết hợp cầu thang là kiểu thiết kế không còn quá xa lạ với nhiều người. Theo đó, giếng trời sẽ được đặt ngay trên cầu thang để lấy gió và ánh sáng tự nhiên, đồng thời giúp tiết kiệm được một khoảng diện tích đáng kể cho ngôi nhà của bạn.
Lưu ý khi xây nhà có giếng trời
Việc thiết kế và xây dựng giếng trời cần lưu ý một số điểm sau đây:
- Diện tích: Trên thực tế, việc xây giếng trời quá to hoặc quá nhỏ đều có những nhược điểm nhất định. Giếng trời quá nhỏ không cung cấp đủ ánh sáng và gió cho ngôi nhà. Ngược lại, giếng trời quá to sẽ cung cấp quá nhiều các yếu tố này, khiến nhà mất đi sự cân bằng và điều hòa cần thiết. Theo các chuyên gia, giếng trời chỉ nên chiếm 10% diện tích của toàn bộ ngôi nhà.
- Vật liệu làm mái che: Bạn cần quan tâm đến vật liệu làm mái che để giúp giếng trời phát huy tác dụng tối đa. Đối với những căn nhà quá hẹp, chủ nhà có thể sử dụng mái che giếng trời bằng kính hoặc nhựa trong suốt để tăng khả năng lấy sáng. Trong khi đó, nếu nhà nằm ở những khu vực thường xuyên có ánh sáng gay gắt, bạn nên sử dụng các vật liệu làm mái che có màu êm dịu, mát mắt.
- Vật trang trí ở giếng trời: Nếu giếng trời được thiết kế ở khu vực sinh hoạt chung như nhà bếp, phòng ăn… thì không nên treo đèn, chậu cây cũng như các vật trang trí nặng phía trên để tránh rơi rớt.
- An toàn: Vì thông giữa các tầng với nhau nên giếng trời thường không an toàn cho trẻ nhỏ. Vì vậy, bạn nên xây dựng hệ thống cửa, lan can hoặc khung bảo vệ quanh giếng trời để tránh tai nạn đáng tiếc.
Trả lời